NHỮNG CÂU CHUYỆN

THÁI PHỈ - NGUYỄN ĐỨC PHONG – NHÀ GIÁO

 

 

Đặng Vân Phúc

Hà nội, 21 tháng 03 năm 2024

 

Đúng là của nả, tài sản cha ông để lại khi là các sản phẩm tri thức thì thực sự vô giá, nó không chỉ về giá trị, nó còn là đầu mối để kết nối, để tìm về…” Tôi tự nghĩ như vậy khi đang trên đường đến nhà Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng, bà đã 90 tuổi, là con gái của nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà báo và cũng là nhà giáo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng, con gái nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong

Hôm nay qua nhà mẹ vợ anh nhé, có câu chuyện hay.” Nhà báo Nguyễn Đức Hoàng, con rể nhà giáo Nguyễn Thị Hồng, gọi cho tôi và nhắn cẩn thận thời gian cũng như địa chỉ để tôi có thể tới đúng giờ đã định. Thực ra thì trước đó, anh cũng đã kể sơ qua cho tôi về một tác phẩm, một cuốn sách đã được tái bản. Người biên tập có ghi rõ, chưa thể liên hệ được với tác giả, gia đình tác giả. Anh cũng có nói một số thông tin về ông ngoại của vợ, tác giả cuốn sách đó. Trước khi đi, tôi chỉ kịp tra vội và đọc sơ qua.

Nhà tôi có 8 anh chị em, không phải 7 như các báo đưa tin. Sau Cách mạng tháng Tám, cuộc sống không dễ dàng, không hẳn vì kinh tế, mà vì lý lịch của chúng tôi kèm với các thành kiến.” Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng bắt đầu câu chuyện trong khi còn đợi đại diện công ty Nhã Nam. Mặc dù 90 tuổi, bà vẫn minh mẫn, mắt tinh, tai thính, kể chuyện xưa 80 năm trước rất rõ ràng. “Bố chúng tôi, bị Pháp bắt đi tù năm 1942 sau một buổi thuyết trình chống Pháp. Tận 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bố tôi được thả với thân thể bệnh tật, chân hằn vết còng và sâu quảng đang ăn lở loét.” Lúc đó, bà Hồng đã 10 tuổi, cùng các anh chị ở trong nhà và đi học, nhà khá giả, mỗi đứa có một vú em trông. Sau khi được chữa lành vết thương, ông Thái Phỉ thành lập “uỷ ban giải phóng chính trị phạm” và hoạt động chính trị. Tháng 7 năm 1945 ông đi hoạt động và mất tích từ đó.

PGĐ công ty Nhã Nam Vũ Hoàng Giang gửi tặng sách của nhà báo Thái Phỉ cho bà Nguyễn Thị Hồng

Trong các hoạt động của ông, với tư tưởng chống Pháp, nhưng lại bị gán cho tham gia Quốc dân Đảng, rồi thân Nhật. Chính vì vậy, về sau CMT8, tất cả các con cháu ông, khi đưa lý lịch có tên Nguyễn Đức Phong là bị gạt ra.” Bà Hồng nhìn xa xăm sau khi chia sẻ. Cũng có lẽ bởi vậy, trong gia đình gần như không còn lưu lại bất cứ sách vở nào liên quan tới ông Thái Phỉ. “Gia đình còn duy nhất bức ảnh của ông và hiện là ảnh thờ.” Cô cháu ngoại của ông ngồi cạnh kể thêm. Con cháu ông chỉ còn những giấy tờ khác có liên quan là các Sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh của con cháu, những thứ có tên Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong bị từ chối nhưng được gia đình lưu giữ như những kỷ vật còn lại.

Chân dung nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong

Thời đại đổi thay, công nghệ phát triển, kết nối, gia đình vẫn đi tìm kiếm và đã có khá nhiều bài viết liên quan đến Thái Phỉ, Nguyễn Đức Phong. Trong đó một lần tình cờ, gia đình phát hiện nhà sách Tri thức có xuất bản hai cuốn và nhà sách Nhã Nam đã tái bản một tác phẩm của Thái Phỉ viết năm 1941. Thông qua các mối quan hệ, gia đình đã kết nối được với nhà sách, người biên tập, và hôm nay có cuộc gặp gỡ với đại diện nhà sách, công ty Nhã Nam với gia đình.

 “Theo công ước Berne, các tác phẩm văn học nghệ thuật được bảo hộ 50 năm từ ngày mất của tác giả. Tên tác giả vẫn phải đảm bảo giữ nguyên.” Phó giám đốc công ty Nhã Nam, ông Vũ Hoàng Giang nói và giới thiệu. “Đây là anh Đào Vũ Tiến Sỹ, người đã tìm kiếm, phát hiện và biên tập lại cho lần tái bản này.” Theo anh Tiến Sỹ chia sẻ, việc tìm kiếm các tác phẩm xưa, có một số nguồn. Từ các nhà sưu tập sách, từ gia đình tác giả, từ thư viện xưa. Nhưng với tác giả Thái Phỉ, bị thành kiến ngay sau CMT8, việc mất mát, huỷ bỏ là khó tránh. Tuy nhiên, các tác phẩm của ông là xuất bản trước Cách mạng, dưới thời Pháp thuộc. Khi đó, các bản nộp lưu chiểu sẽ vẫn được lư trữ ở bên Pháp. Hiện nay, các kho, thư viện họ đều đã và đang số hoá công bố, việc tìm kiếm đã thuận lợi hơn rất nhiều. “Em đã tìm được cả danh mục các tác phảm của Thái Phỉ, nhiều cuốn đã có bản chụp ảnh sách xưa, việc phải làm là soạn lại rồi xin phép xuất bản. Do không có đầu mối nào để tìm kiếm liên hệ với gia đình tác giả, đến nay Nhã Nam mới tới được.” Tiến sỹ, nhà biên tập trẻ của nhà sách, công ty Nhã Nam kể lại quá trình chuẩn bị cho cuốn sách mấy năm trước.”

Con gái và cháu ngoại nhà báo Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong

 Nguyễn Đức Phong, gia đình ở làng Mọc, Quan nhân Hà đông cũ (nay Hà nội, quận Thanh xuân). Ông sinh ra ở Thái bình nên nhiều báo đã ghi nhận sai về quê quán của ông. Gia đình thuộc  tầng lớp khá giả, tri thức, ông sinh năm 1903, được học hành dưới thời Pháp thuộc, 20 tuổi ông là giáo viên trường Canh Mỹ rồi làm hiệu trưởng trường này. “Trong quá trình giảng dạy, ông thường chia sẻ, truyền tư tưởng chống Pháp cho học sinh và giáo viên.” Bà Hồng chia sẻ và kể một việc nói về tính cách của Thái Phỉ. “Là hiệu trưởng, nên ông cũng có vị thế của mình. Có một lần, quan Pháp tới trường, vào phòng ông. Như những người khác thì sẽ đứng dậy nhường ghế cho vị quan Pháp, nhưng ông không làm vậy. Chỉ ngồi và nói chuyện.

Tác phẩm "Một nền Giáo dục Việt Nam mới" của Thái Phỉ

Sau việc đó cộng thêm tư tưởng chống Pháp, ông bị điều chuyển đi làm hiệu trưởng trường học ở tận Móng Cái năm 25 tuổi, 1928 thay cho ông Hoàng Đạo Thuý, cũng là bạn ông thời bấy giờ. Tên ông là Nguyễn Đức Phong, nhưng bút danh ông lấy là Thái Phỉ, Phong - Phỉ là ngầm ý theo tích xưa, đó là tên của loại rau đắng trên rừng mà kẻ học sĩ thường ăn khi thấy sự tủi nhục của kẻ mất nước như Bá Di, Thúc Hề vậy.

Được vài năm, ông bỏ nghề giáo, chuyển sang làm nghề báo và phê bình văn học. “Nhiều người mang tác phẩm tới cho ông đánh giá, nếu được ông phê tốt, sách sẽ bán chạy, nếu ông lắc đầu, sách đó bỏ đi.” Bà Hồng kể về công việc Thái Phỉ làm trước đây. “Cả Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, rồi Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng ông cũng phê bình tác phẩm” Theo như Thái Phỉ viết trong cuốn sách mà Nhã Nam tái bản, “Một nền Giáo dục Việt Nam mói.” Thời gian trước những năm 1940, việc cải cách giáo dục của người Pháp tại Việt nam ảnh hưởng rất lớn tới tầng lớp tri thức. Cùng với suy thoái sự ảnh hưởng của Nho giáo, xâm nhập nhiều bang hội. Các sách kiếm hiệp, dâm đãng được phát hành tràn lan và lôi kéo lượng độc giả rất lớn. Nhất là thanh thiếu niên. Có thể ví so sánh như các mạng Xã hội ngày nay vậy.

Hình ảnh tuần báo Cậu Ấm năm 1935

Nhận thấy ảnh hưởng không tốt tới các thế hệ người Việt tương lai. Thái Phỉ viết “Tôi tưởng không lúc nào bằng lúc này, một cuộc cải cách hoàn toàn và triệt để nền giáo dục Việt nam là việc quan trọng và cần thiết…” ông đã đàm đạo và cùng các bạn bè thời đó nhận định, lớp người như ông là đã hỏng rồi, hãy bắt đầu ngay và với lớp trẻ, hãy lôi chúng ra khỏi đam mê vào các loại sách kiếm hiệp, dâm đãng. Và năm 1935, tạp chí “Cậu Ấm” dành cho các bé trai ra đời.

Tạp chí xuất bản số đầu đúng năm bà Nguyễn Thị Hồng ra đời. Theo Wiki “Đây là tờ báo thiếu nhi đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Trong 13 số đầu, tờ Cậu Ấm là báo của bé trai. Ma-ket trang nhất ghi rất rõ: Cậu Ấm- báo con trai. Giá 5 xu. Tòa soạn 82 Ru du Coton Hanoi (82 phố Hàng Bông). Minh họa cho Cậu Ấm là họa sĩ Ngym (tức danh họa Trần Quang Trân). Tờ Cậu Ấm ra được 13 số thì đổi tên thành Cậu Ấm Cô Chiêu và tồn tại đến tháng 11 năm 1937 thì đình bản với 129 số.

Cậu Ấm - 1935 (Thư viện Quốc gia Việt nam)

Rất nhiều nhà văn, nhà báo đã tham gia cùng Thái Phỉ để viết bài, đặc biệt là nhà văn Nguyễn Công Hoan, hoạ sĩ Trần Công Trân, Mạnh Quỳnh đã cùng tạo nội dung và minh hoạ. Tuần báo có trên 20 trang, khổ lớn, có cả văn, thơ, hoạ, toán, câu đố, chuyện vui, chuyện tranh. Trải qua vận động, tiếp cận từng gia đình để bán báo. Thái Phỉ phải bán cả đất đai nhà cửa để nuôi bộ máy. Số lượng trên 3 ngàn bản, có lúc chỉ bán được 2 ngàn. Thế nhưng, dần dần, lượng khán giả tăng dần, các trẻ em thời đó rất yêu thích. Thư viện Quóc gia Việt Nam hiện đang còn có mấy số báo “Cậu Ấm” năm 1935.

Thái Phỉ mua mấy ngàn mét đất bên chùa Láng, đối diện nhà ông bên Mọc, xây dựng "Dưỡng Tâm Trang", nơi ông đàm đạo và phát triển tạp chí.” Bà Hồng nhớ lại, bồi hồi “tám anh chị em, nay đã mất 7, chỉ còn một mình tôi, 90 tuổi rồi. Các con cháu rất đông nhưng bố chúng tôi mất tích tới nay cũng 80 năm. Vì định kiến và thời gian, mọi tư liệu, sách vở, tạp chí liên quan tới ông đều không có.” Nhà cửa, đất đai hoặc đã bán, hoặc bị thu hồi, gia đình cũng không còn gì liên quan.

Các sách đã xuất bản của Thái Phỉ đều có nộp lưu chiểu ở Pháp, do đó, sẽ là thông tin tốt để gia đình có thể tiếp tục tìm kiếm về.” Tiến Sỹ chia sẻ với gia đình. Công việc khai thác các tác phẩm, các sách cũ xưa có giá trị của anh từ nhiều nguồn để xin phép tái bản, trong đó có sách “Một nền Giáo dục Việt Nam mới” đã giúp cho gia đình có một đầu mối, một cách thức tốt để mong thu thập được tất cả các tác phẩm, các ấn phẩm của Thái Phỉ. Không chỉ là để lưu giữ như kỷ vật giá trị của gia đình, các tác phẩm, ấn phẩm dù đã trên 90 năm, vẫn mang những giá trị nội dung mang tính thời sự, giáo dục. Đọc lại cuốn “Một nền Giáo dục Việt Nam mới” của Thái Phỉ, như ông vừa viết ngày hôm qua, trong chính xã hội hiện tại vậy.

Cậu Ấm 1935 - Thư viện Quốc gia Việt nam

Việc tìm lại các tác phẩm, ấn phẩm xưa, với nội dung giá trị tới tận ngày nay, không chỉ để hệ thống, đánh giá và nghiên cứu tư tưởng của thế hệ cha ông, mà thực sự, còn để nhận định, xem lại một con người, một nhà giáo, nhà phê bình văn học, nhà báo, người đã tâm huyết cho hưng thịnh của nước nhà, tâm huyết trong việc cải cách giáo dục và thực hành luôn trong việc phát hành báo thiếu nhi đầu tiên của nền báo chí Việt Nam nhằm đảm bảo sự phát triển trong sáng trong đời sông tâm lý của thế hệ trẻ.

           

 

 

 

 

 


Tin liên quan